Về với vùng cao Tây Bắc

Ta về với ngàn xưa thời trai trẻ Mây hoa ban vẫn vắt trắng ngang trời Cọn tí tách đếm thời gian mê mải Mắt ai nhìn lúng liếng dưới khăn piêu Chân lạc bước dưới mảnh trời xứ Thái Ruộng bậc thang hương cốm đơm xôi Khói bếp ai xanh vờn mép mái Bước chân trâu bậm bịch vỗ lưng đồi. Suối bỗng dưng sao thì thầm thế suối Sương hoá lụa mềm vắt dọc rừng xanh Hương bồ kết quấn mềm đá núi Em gội đầu lóng lánh một dòng trăng.

Nhớ em từ nơi xa xôi của Tổ quốc

Trái tim anh ủ lửa trong trái pao Em không bắt, trái pao rơi xuống đất Tình anh như khói về trời Như cánh chim hoang phiêu dạt. Em không yêu anh thì thôi Nhưng nhớ yêu chồng Suốt kiếp. Em vẫn trong anh nơi nỗi nhọc nhằn Chân trời ngày cũ Hoa cải vàng xa xăm Theo gió lên ngồng. Anh chỉ có một trái pao ném đi một lần là mất Em không yêu anh thì thôi Nhưng nhớ thương con Trọn đời Em vẫn trong anh nơi năm tháng nổi trôi áng mây tinh khôi ngày cũ Hoá thành mưa lũ Rơi xuống ruộng tình Rau răm nay đã lên xanh..

Hồn nhiên trong đôi mắt biếc

Nhọc nhằn địu nắng về bên xóm Trải khắp không gian bạc thếch màu Nắng hường nắng đỏ tan vào đất Bởi rét mùa đông nhuộm trắng phau Căm căm giá buốt tràn thung lũng Phố núi thu mình dưới rặng thông Tịch lặng đường mòn hoang tiếng quạ Hít hà hơi thở hóa màn sương Nhọc nhằn địu nắng về ven lộ Đổ xuống đường mòn hằn dấu chân.

Tây Bắc mùa hoa cải vàng

Ngựa hoang đưa ta về miền lộng gió Triền đê hoa cỏ mơn man Mấy trắng bồng bềnh những đường cong mờ tỏ Hồ xanh sóng vỗ xôn xao Hoa cải vàng rải thảm Mắt ngựa hoang ngác ngơ đắm đuối.

Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời

Sapa chiều nghiêng huyền thoại, mặt trời mọc lên từ má em, phố nhỏ hiện lên từ trong mây. Ơi Sapa, nơi gặp gỡ đất trời.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Phố Cầu Mây - SaPa


Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Sapa đẹp mơ màng qua lăng kính của một du khách

Tôi lần đầu tiên đặt chân đến Sapa vào một ngày cuối tháng 6. Sapa được ví như một cô gái đẹp trong buổi sớm mai đất trời còn ngái ngủ. Đến Sapa vào những mùa khác nhau trong năm, bạn sẽ được thấy một vẻ đẹp riêng.
Cùng ngắm nhìn một số địa điểm đẹp, mà khi bạn đến Sapa không nên bỏ qua nhé.

Nhà thờ đá cổ Sapa

Quảng trường trung tâm thị trấn

Phố Cầu Mây

Thị trấn Sapa

Thác Bạc - Đỉnh Đèo

Suối Vàng lối lên Thác Tình yêu

Thác Tình Yêu

Bản Cát Cát nhìn từ trên cao

Trẻ em ngoài giờ học bán vòng tay, túi thổ cẩm phụ gia đình

Gian hàng thổ cẩm

Núi Hàm Rồng

Vườn hoa ở chân núi Hàm Rồng

Sapa nhìn từ trên đỉnh núi Hàm Rồng

Tiết trời dễ chịu, thiên nhiên và con người hòa như vào nhau, đẹp tựa bức tranh thủy mặc… Có thể nói, đó là những nét riêng ở Sapa đã níu chân du khách bấy lâu nay.



Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Du lịch Mộc Châu - Những điều cần biết


Mộc Châu đang là một điểm đến rất hấp dẫn trong nước. Để chuẩn bị tốt cho chuyến đi du lịch đến Mộc Châu, bạn có thể tham khảo một số tư vấn sau để có một chuyến đi vui vẻ, và thoải mái.
Mộc Châu - xứ sở trong sương
1. Thời gian
Vấn đề thời gian sẽ được nhắc tới đầu tiên ở đây, vì mỗi mùa Mộc Châu có một vẻ đẹp khác nhau. Có thể bạn đã thấy Mộc Châu qua bức ảnh những cánh đồng cảnh trắng như tuyết, hay những đứa trẻ chơi dưới rừng hoa mận – hoa đào hoặc cũng có thể là đồng cỏ xanh dài vô tận… Nhưng sẽ có lúc Mộc Châu chẳng có gì ngoài những cây mận, đào lưa thưa lá – những đồng cỏ thấp lè tè – không mấy xanh và chẳng có lấy một bông hoa cải. Nói chung, mỗi mùa có nét riêng của nó cho bạn lựa chọn
Mùa hoa cải trắng một góc trời
Vậy thì thời gian nào hợp lý nhất để đi du lịch Mộc Châu
 -       Trước và sau tết âm lịch ( cuối tháng 1, đến hết tháng 2): hoa đào, hoa mận nở trắng mọi góc hình Mộc Châu.
-       Tháng 3 là thời gian hoa ban nở trắng rừng. Khoảng 26-3 có lễ hội Hết Chá
-       Khoảng tháng 10 – 2: hoa cải trắng, hoa dã quỳ nở rộ. Tháng 11 là thời điểm nở rộ của hoa cải, dã quỳ, ngũ sắc xen lẫn sắc đỏ của hoa trạng nguyên.
-       Khoảng tháng 4- đến tháng 8: Khí hậu mát mẻ hơn Hà Nội nhiều, không có hoa nhưng có mận và đào cho bạn hái (tháng 4-6),
-       Đầu tháng 9 có Tết Độc Lập rất to, thu hút người Mông trong và ngoài nước về tham dự
Bạn sẽ đi trong mấy ngày? Bạn sẽ mất từ 5-6 tiếng (185km) để di chuyển từ Hà Nội tới Mộc Châu. Sẽ có nhiều nơi để đi,  thì 2 ngày 3 đêm là hợp lý. Nếu các bạn đi nhanh có thể rút ngắn thời gian
2. Phương tiện và đường đi du lịch Mộc Châu
Đi từ Hà Nội, bạn có thể chọn đi xe máy hoặc ô tô khách. Khoảng cách từ Hà Nội đến Mộc Châu là gần 200km. Trên đường đi bạn có thể thưởng ngoạn vô số cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Trẻ con vô tư nô đùa
3. Tới Mộc Châu sẽ đi những đâu?
Trên đường đi có rất nhiều bản người Mông nằm ngay sát đường quốc lộ 6: khu vực xã Lóng Luông. (mùa hoa mận, hoa đào đây là thiên đường hoa) Bạn có thể dạo chơi ở đây nếu thích (nhưng nên xin phép trưởng bản trước).
-       Tới trung tâm huyện,  đầu tiên  bạn nên đi thăm những địa điểm nổi tiếng ở quanh khu vực trung tâm huyện như: Hang Dơi , rừng thông Bản Áng, Vườn Hoa lan, dâu tây hay thác Dải Yếm.
-       Tiếp đến là Thị trấn nông trường Mộc Châu ( từ trung tâm huyện quay lại khoảng 5 -7 km), ở đây có công ty chè và công ty sữa Mộc Châu. Bạn có thể ngắm nhìn những đồi chè xanh ngắt, tha hồ chụp ảnh với những cánh đồng cỏ bạt ngàn.
-       Từ thị trấn nông trường bạn hỏi đường đến Tân Lập, ở đây có đồi chè hình trái tim, Ngũ Động Bản Ônhay những cánh đồng cải, dã quỷ, trạng nguyên, hoa đào, hoa mận bạt ngàn. Đây là nơi có thể gọi là con đường xanh châu Mộc, đẹp nhất vào mùa hoa cái, hoa mận. Đoạn đường khoáng 16km, có đoạn hơi xấu, lưu ý đi chậm.
-       Ruộng hoa cải bản Ba Phách: Thiên đường hoa cải ở bản Ba Phách với hàng chục mẫu ruộng lớn trồng toàn hoa cải. Bản nằm trên đường Quốc lộ 6, gần quán ăn 70, cách ngã ba thị trấn 5 km. Các bạn đi theo hướng lên Mộc Châu, khi nào thấy biển Công ty chè Mộc Châu thì rẽ vào con đường nhỏ đối diện. 
Và còn nhiều bản người Thái, người Mông khác các bạn có thể gặp ngay trên đường đi.
Cảnh đẹp thiên nhiên và con người nơi đây không thể cảm nhận hết được chỉ thông qua những bức hình hay những lời văn đẹp mà bạn phải đến trực tiếp, dùng tất cả các giác quan mà bạn, cảm nhận bằng cả tình yêu quê hương đất nước con người Việt để cảm nhận.

Mùa mận chín
4. Du lịch Mộc Châu cần chuẩn bị những gì?
Quần áo: Vì thời tiết Mộc Châu rất đặc biệt, một ngày có tới 4 mùa. Vào những ngày tháng 3- tháng 8, ngày có thể có nắng, nhưng về chiều và nhất là đêm lại có cái lạnh mùa thu, bạn phải mặc áo ấm khi đi chơi đêm và đắp chăn bông đi ngủ. Như thế thì bạn nên mang theo quần áo ấm và cả quần áo thoáng mát cho mùa hè. Tốt nhất là ưu tiên chọn trang phục ừa nhẹ, vừa thoáng mát. Bạn sẽ phải di chuyển nhiều, hoạt động nhiều. Cái này tùy theo mùa mà bạn mang quần áo thật dày, hay chỉ cần quần áo daì tay là đủ
- Giày, dép: cái này thì tùy ý bạn, nên chọn giày là hợp lý nhất. Vừa ấm, vừa dễ di chuyển. Giày thể thao và leo núi là ưu tiên số 1.
Đồ dùng cá nhân: nếu bạn muốn nghỉ ngoài trời có thể mang theo lều trại, đồ dùng – vệ sinh cá nhân là những thứ không thể thiếu.
Thuốc: thuốc chống côn trùng, thuốc đau bụng, cảm cúm, băng, gạc… đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Tiền: ngoài chi phí trả cho đơn vị du lịch, bạn cần mang theo chi phí cho nhu cầu mua sắm đặc sản nơi đây.
-  Máy ảnh: nếu không có máy ảnh chuyên nghiệp thì tối thiếu bạn cũng nên kiếm cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, hoặc một chiếc điện thoại chụp ảnh tốt. Mộc Châu có đủ cảnh để bạn chụp hết pin máy ảnh, full dữ liệu thẻ nhớ nên nhớ mang theo thẻ nhớ và sạc pin dự phòng kẻo có lúc lại ngồi tiếc hùi hụi.
Thác Dải Yếm
5. Món ăn ngon ở Mộc Châu - Mua quà tặng ở Mộc Châu
a. Ăn ngon: Mộc Châu có bê chao, cá suối, có thể ăn tại Quán 64, Xuân Bắc 181, quán 70
Lợn mán, thắng cố, cơm lam, các món ăn dân tộc Thái có thể ăn ở các gia đình trong rừng thông bản Áng.
Đồi chè hình trái tim
b. Quà mua về: Lưu ý thứ tự được xếp theo chiều từ Sơn La về Hà Nội

(1) Cụm mua sắm số 1: Ngã ba 73 (gần thị trấn Mộc Châu ).
Các cửa hàng:
+ Năm Thảo: chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, thịt trâu, bò hun khói.
+ Mộc Y quán: thịt dê các món; chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, mật ong, phấn hoa.
(2) Cụm mua sắm số 2: Tiểu khu 32 + Bó bun.
Các cửa hàng: Anh Đông, Cường Huyền, Hùng Mừng, Hoa Khiêm:
+    Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, rượu ngô.
+ Các loại thuốc đặc hiệu chữa bệnh: dạ dày, trĩ, viêm xoang…

(3) Cụm mua sắm số 3: Ngã ba 70.
Các cửa hàng: Thân Gái, Vân Thảnh, Liên Thao, Tân Thủy:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
+   Điểm dừng đón khách đi Hà Nội hoặc Sơn La.
(4) Cụm mua sắm số 4: Ngã ba Vườn Đào (ngã tư rẽ đi Thông Cuông, hoặc đồi chè thị trấn).
Các cửa hàng: Sen Tuấn, Nga Lộc, Thanh Trường, Hiền Sang,:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
+   Đào, mận tươi.
(5)Cụm mua sắm số 5: Tiểu khu Chiềng Đi.
Các cửa hàng: Quán 70, quán 181, quán 64, quán Quang Bắc:
+ Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
+ Đào, mận tươi. 
Rừng thông bản Áng

Chúc các bạn sẽ có một chuyến đi vui vẻ, an toàn và ý nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thịt lợn gác bếp - đặc sản Tây Bắc

Tây Bắc nổi tiếng với món thịt gác bếp từ bao đời nay. Không chỉ có thịt trâu, thịt bò được chế biến thành món ăn đặc sản mà hương vị của món thịt lợn gác bếp – Đặc sản Tây Bắc cũng làm người miền xuôi nhớ đến nao lòng.
Thịt lợn gác bếp
Thịt lợn gác bếp cũng có những đặc điểm chung giống như thịt trâu, thịt bò khô gác bếp, nguyên liệu phải là từ những chú lợn được chăn thả tự nhiên trên vùng núi cao nguyên bạt ngàn và được chế biến theo cách riêng mang nét đặc trưng của núi rừng.

Cách chế biến thịt lợn gác bếp

Cho đến tận ngày nay thì món thịt lợn gác bếp đã có nhiều cách chế biến khác nhau, tùy thuộc vào mỗi địa phương. Có nơi người ta ngả thịt ra cho nguội rồi cho một lượng muối vừa đủ vào thịt và đưa vào cối giã để muối ngấm vào thịt chứ không giã nát. Sau đó họ dùng một loại men làm từ các cây rừng trộn lẫn vào với thịt và cho đem ủ kín 2 – 3 ngày trong gùi và treo lên gác bếp.
Một số nơi khác để giữ nguyên được hương vị của thịt người ta lại chế biến theo cách khác. Trước tiên họ sẽ mổ phanh con lợn ra rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, dọc theo sườn, bỏ thịt lên nia xát muối. Sau khi đã xát đều muối cho thịt ngấm thì cho rượu vào bóp và bỏ vào hũ ủ ba đến bốn ngày. Sau đó lấy thịt trong hũ ra rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, phơi ráo nước rồi treo lên gác bếp.
Một trong những công đoạn quan trọng nhất chính là quá trình hun khói để làm chín thịt, nó cũng đòi hỏi công phu và sự khéo léo. Do đặc trưng của người dân miền núi, họ sử dụng củi để đun bếp, chính vì thế bếp gần như lúc nào cũng đỏ lửa, hơi nóng của lửa bốc lên sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mỡ chảy ra một phần, phần còn lại nhìn rất trong, thịt nạc và da có màu vàng – đỏ thẫm. Để thịt thơm hơn, một số đồng bào nơi đây còn lấy cây ngải cứu rừng và bã mía để về hun thịt.
Mặc dù chỉ với những công cụ rất thô sơ, không máy móc hiện đại nhưng đồng bào nơi đây lại có thể giữ được mùi vị của thịt lợn gác bếp trong một thời gian dài. Lạ kỳ hơn nữa, theo lời đồng bào Tây Bắc lợn càng treo gác bếp lâu thì thịt càng thơm ngon. Đây chính là nét khó hiểu nhưng rất độc đáo trong văn hóa ẩm thực vùng cao mà không phải dân tộc nào cũng có.
Thịt lợn gác bếp - Món ăn yêu thích của nhiều gia đình

Đối với người miền xuôi, thịt lợn gác bếp từ lâu cũng đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Thịt lợn gác bếp có thể dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác nhau như xào gừng, xào rau cải đắng và đặc biệt nhất là xào với lá chanh. Hương vị thơm ngon có độ giòn đặc trưng của bì lợn, vị ngọt đậm của thịt nạc và vị đậm đà của gia vị khiến ai cũng muốn thưởng thức.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Xôi tím - độc đáo ẩm thực Sơn La


Nhắc đến ẩm thực của đồng bào dân tộc ở vùng núi cao phía bắc không thể không nhắc đến xôi ngũ sắc, món xôi với năm màu trắng, đỏ, vàng, xanh, tím mang triết lý âm dương ngũ hành. Và xôi tím là một trong năm thành phần của món xôi ngũ sắc đó, thể hiện nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái Tây Bắc.
Phụ nữ Thái bên bếp lửa
Xôi tím, hay còn gọi là “khẩu cắm lăm”, là món xôi nếp nhuộm màu truyền thống của đồng bào Tây Bắc. Xôi được làm tại nhà, rồi cho vào những chiếc gùi lá chuối mang ra chợ bán. Cả gùi xôi tỏa ra mùi thơm và nhất là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn, chưa ăn đã thấy ngon.
Vò xôi tím
Xôi tím được làm từ những hạt gạo nếp trồng trên nương, hạt đều không lẫn gạo tẻ. Gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước từ 6 đến 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải trước khi nhuộm màu xôi.
Gạo được ngâm trước khi đem xôi
Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là “khẩu cắm”, một loại cây chỉ có ở miền núi. Cây khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch rồi đem luộc. Luộc lá sôi chừng 5 phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi cho gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ để nhuộm màu. Cũng có thể lấy lá cây hơ qua lửa cho héo rồi giã nhỏ, trộn với tro quả núc nác, lọc lấy nước để ngâm gạo cho lên màu.
Khóm cây Khẩu cắm
Gạo nếp sau khi nhuộm màu được vớt ra cho vào chõ đồ, khi chín xôi có màu tím rất đẹp. Tùy nhiên để đạt màu tím nhạt hay đậm không chỉ tùy thuộc vào việc trộn lá cây nhiều hay ít mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Đồ xôi tím phải đồ bằng lửa củi, chõ gỗ được đục từ thân cây sung mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín mềm, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.
"Ép khảu" đựng xôi của người Thái
Ăn xôi tím có thể ăn không để cảm nhận được sự ngọt bùi của hạt gạo, cũng có thể ăn với muối vừng, chẩm chéo hay ruốc. Xôi tím có hương vị thơm ngon, dẻo bùi mà không ngấy, hấp dẫn bởi màu sắc và hương vị lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào, cây khẩu cắm dùng để nhuộm màu xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Xôi tím ăn với đồ nướng 
Xôi tím là một phần của món xôi ngũ sắc, màu tím tượng trưng cho lòng chung thủy, cho trái đất với muôn vật sinh sôi trong triết lí âm dương. Dưới đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, xôi tím trở thành một món ăn ngon không thể thiếu trong những mâm cơm đãi khách hay các dịp lễ tết như Tết Xíp Xí… Lên Mộc Châu thưởng thức xôi tím, du khách sẽ cảm nhận được hương vị của núi rừng để thêm hiểu về cuộc sống con người nơi đây.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Sắc màu chợ phiên Tây Bắc

Từ bao đời nay, chợ phiên ở vùng Tây Bắc thường họp vào sáng thứ bảy và chủ nhật. Đồng bào Mông, Tày trên núi cao đi chợ tấp nập như đi hội. Phiên nào cũng vậy, đồng bào Mông thường mang hàng thổ cẩm đi bán làm rực rỡ chợ phiên…

Để có được những gian hàng rực rỡ váy, áo, vải thổ cẩm, những ngày trên núi cao, sơn nữ Mông ở các bản luôn tay thêu thùa và may vá những tấm thổ cẩm đầy hoa văn họa tiết để mang xuống chợ bán. Từ khâu xe sợi, chọn chỉ màu đến khâu dệt, trang điểm hoa văn, mọi khâu đều hết sức tỉ mỉ và nghệ thuật. Vì vậy, người phụ nữ Mông ở Tây Bắc rất chăm chỉ. Lên nương rẫy, chăn ngựa, xuống chợ hay đi đường và cả những lúc ngồi bên bếp lửa, bàn tay của người phụ nữ Mông Tây Bắc luôn xe sợi để làm nguyên liệu dệt thành thổ cẩm. Sự kiên trì của họ không phải kéo dài một hai ngày mà có khi đến tận hằng năm trời mới đủ để làm thành một tấm thổ cẩm như ý. Trang phục thổ cẩm của phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Dù là bộ phận nào đi nữa thì đều rất hài hòa trong hoa văn họa tiết, rất rực rỡ sắc màu. Vì vậy, khâu xe lanh dệt vải khá tốn thời gian. 
Tấp nập gian hàng thổ cẩm
Thổ cẩm xúng xính theo người Mông Tây Bắc xuống chợ. Dọc con đường từ bản xuống núi, những phụ nữ Mông từng tốp một mặc váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu. Từ chiếc khăn vấn trên đầu, khăn quàng cổ, áo váy, sà cạp bó chân, tất cả đều rất đẹp và đậm màu thổ cẩm. Bước đi của những sơn nữ thật nhanh cho kịp xuống núi, tiếng vòng cổ, khuyên tai hòa vào bước chân người, chân ngựa cùng tiếng hát véo von của những sơn nữ đã làm nên một bức tranh xứ núi thật sinh động.
Phụ nữ H'Mong lựa thổ cẩm
Cứ mỗi tốp sơn nữ Mông bước vào cổng chợ lại làm cho không gian chợ phiên thêm ấm áp, sáng đẹp đến lạ thường bởi mỗi chiếc váy Mông mà họ mặc trên mình lại có một sắc màu riêng. Có màu đỏ tươi xen những đường chỉ vàng óng. Có màu xanh sẫm xen những sọc chỉ màu vàng… Tất cả hòa vào nhau làm thành sắc màu thổ cẩm.

Vui nhất là nhìn cảnh những phụ nữ Mông Tây Bắc đi chọn thổ cẩm. Họ đi các hàng bán váy, vải thổ cẩm với con mắt trầm trồ, với những lời khen ngợi không ngớt. Bàn tay họ nâng những tấm thổ cẩm lên xoa xoa, rồi ướm thử xem có hợp với mình không để chọn mua. Còn người bán hàng thì đon đả và luôn nở nụ cười hào phóng mến khách. Những em bé Mông ríu rít chạy theo mẹ đi xem thổ cẩm…
Chợ phiên nết đẹp vùng Tây Bắc
Nổi bật giữa chợ phiên là những thiếu nữ Mông đang tuổi xuân thì, má lúm đồng tiền, môi hồng chúm chím, mặc trên mình những bộ váy nhiều màu. Chiếc mũ tròn tua dua trên đầu càng làm tôn thêm vẻ đẹp đậm chất núi. Họ xen lẫn đám đông đi xem thổ cẩm. Có khi xem mà không mua hay đi xem thổ cẩm như đi hội!

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc

Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái và miền núi Thanh Nghệ. Về mặt địa lý, có thể nói, Tây Bắc là vùng có quá trình kiến tạo khá phức tạp và là vùng núi cao hiểm trở nhất Việt Nam. Nói một cách chung nhất, đây là “miền đất của những núi cao và cao nguyên “(Lê Bá Thảo), là một khối liền mạch núi sông kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) được cấu tạo theo hướng Tây Bắc-Đông Nam song song với thung lũng sông Hồng. Từ Đông sang Tây được đánh dấu bởi dãy núi cao Hoàng Liên Sơn dài 180 km có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam. Xen giữa dãy Hoàng Liên và dải cao nguyên phía Tây là các vùng bồn địa.
Vắt dọc Tây Bắc là sông Đà, từng được Nguyễn Tuân ví như “sống lá khi coi Tây Bắc là chiếc lá, có tiềm năng lớn về nhiều mặt, góp phần tạo dựng bức tranh Tây Bắc hùng vĩ với nhiều kỳ quan, gắn liền với lịch sử tụ cư của nhiều tộc người ở khu vực này. Tuy nhiên thiên nhiên vùng Tây Bắc khá đa dạng với nhiều tiểu vùng với các đặc trưng về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn... Khí hậu ở vùng này mang tính lục địa rõ hơn vùng Đông bắc và trong năm xuất hiện những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, lạnh có tuyết, sương mù vào mùa Đông và hiện tượng “phơn” mùa hạ làm nhiệt độ có khi lên trên 40oC. Biên độ nhiệt độ trong ngày khá lớn. Nhiều nơi có cả 4 mùa trong ngày như vùng cao nguyên Mộc Châu. Theo các nhà địa lý học, Tây Bắc không chỉ giàu có về nguồn tài nguyên trên mặt đất như đất đai, rừng và thảm thực vật, động vật… mà còn giàu có nguồn tài nguyên dưới lòng đất mà trong đó có nhiều tài nguyên chưa được phát hiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng hiểm trở đi lại khó khăn.
Ban trắng Tây Bắc
Quá trình hình thành tộc người ở Tây Bắc Việt Nam khá phức tạp và đa dạng. Theo những kết quả nghiên cứu hiện nay, trên lãnh thổ Tây Bắc đã tìm thấy đấu vết của con người từ thời nguyên thủy trong các di chỉ hậu kỳ đồ đá cũ . Trong bức tranh về thành phần cư dân hiện nay có thể phân thành 3 lớp (ngoài người Mường trong nhóm ngôn ngữ Việt Mường): lớp thứ nhất là các cư dân Môn-Khơme, cư trú trên một khu vực rộng lớn từ bắc Việt Nam và Lào; lớp thứ 2 là các tộc người thuộc ngữ hệ Thái-Kađai, trong đó nhóm Kađai có mặt sớm hơn các nhóm Thái (trừ nhóm Táy khao có mối liên hệ với khối cư dân Tay cổ); lớp thứ 3 là nhóm cư dân Dao-Tạng Miến và trong những thế kỷ gần đây là người Mông, người Việt.

Trên đại thể về phân bố cư dân và các vùng cảnh quan có thể thấy ở vùng thung lũng lòng chảo thấp hay vùng bồn địa giữa núi, trước núi là nơi sinh sống của các cư dân Thái, Mường, Lào, Lự, trong đó người Mường chủ yếu cư trú ở vùng phía Nam của Tây Bắc. Vùng rẻo giữa hay vùng sườn núi là nơi cư trú của các tộc người nói ngôn ngữ Môn-Khmer như Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun. Vùng rẻo cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, Tạng Miến.

Mặc dù xu thế chung về cư trú của các tộc người ở Việt Nam là cư trú cài răng lược nhưng ở Tây Bắc mức độ phân bố cư dân không đều giữa các vùng cảnh quan , đặc biệt ở vùng rẻo cao, rẻo giữa. Điều này liên quan đến quá trình tộc người (di cư từ bên ngoài tới, các cuộc xung đột tộc người liên quan đến nơi cư trú...)cũng như tập quán mưu sinh của các tộc người quy định. Do những đặc thù về môi trường cư trú và lịch sử tộc người, mặc dù đều có đặc điểm chung của khu vực miền núi phía Bắc nhưng mỗi vùng và mỗi tộc người đều có những đặc điểm nhất định. Dưới đây chúng tôi xin trình bày về các đặc điểm kinh tế-văn hóa-xã hội theo vùng cảnh quan.
Trước hết là vùng thung lũng. Qua nghiên cứu về mô hình văn hóa thung lũng chúng tôi tạm gọi đây là văn hóa bản mường. Mô hình này chỉ có ở khu vực miền núi phía Bắc, chủ yếu ở các tộc người Mường, Thái, Tày hay Tày-Nùng. Thung lũng được hình thành do các vận động kiến tạo lọt giữa vùng núi cao với nhiều sông suối. Đây là khu vực thuận lợi nhất cho việc canh tác lúa nước ở vùng miền núi. Bởi thế đặc trưng của hoạt động kinh tế thung lũng là ruộng nước với một hệ phức hợp về kỹ thuật, khác với kỹ thuật canh tác lúa nước ở vùng đồng bằng. Gắn liền với canh tác ruộng nước, hệ thống thủy lợi vùng thung lũng khá đặc sắc. Người ta hay nói đến hệ thống mương phai, lái, lin ở người Thái hay đập, mương và hệ thống dẫn nước ở người Mường. Tuy nhiên hệ canh tác này không chỉ có ruộng mà còn có nương, góp phần đa dạng hóa hệ canh tác. Bên cạnh đó, cư dân còn tiến hành các hoạt động chăn nuôi, sản xuất thủ công nghiệp, săn bắt, nuôi và đánh cá, thu nhặt lâm thổ sản... Trong khuôn khổ địa hình vùng thung lũng, cư dân tập hợp lại thành bản và các bản trong khuôn khổ vùng thung lũng tập hợp thành mường với một thiết chế chặt chẽ. Trước đây, trong khu vực Mường chủ yếu thuần một tộc người còn về sau này một bộ phận các tộc người khác nhập cư nhưng cư dân Thái hoặc Mường vẫn là chủ yếu. Trong tiến trình phát triển, trên cơ sở khai phá vùng thung lũng của cư dân đã hình thành nên cánh đồng lớn, các mường lớn, ví như ở người Thái có nhất Thanh, nhì Lò, tam Tấc, tứ Than; người Mường có nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Trong trường hợp này các mường đồng nghĩa với các cánh đồng, các thung lũng và đương nhiên liên quan đến vai trò của các thủ lĩnh trong vùng. Chính đặc điểm này đã tạo nên những đặc trưng trong văn hóa của các tộc người trên các lĩnh vực vật thể và phi vật thể. Người Mường đã tổng kết về các đặc trưng của văn hóa thung lũng: trâu đeo mõ, chó leo thang, củ mài, rau sắng, măng đắng, mật ong, cơm đồ nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới.
Tuy nhiên cùng với ruộng, cư dân vùng thung lũng còn có các hoạt động trên nương rẫy và khai thác các nguồn lợi từ rừng khá đa dạng và phong phú và làm phong phú thêm đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Mùa cải vàng
Đối với cư dân ở vùng rẻo giữa (chủ yếu là cư dân Môn-Khmer) hoạt động kinh tế chủ yếu là nương rẫy thấp. Trong lịch sử họ đã được ghi nhận là những cư dân biết làm ruộng nước từ khá sớm nhưng do các đặc điểm lịch sử họ buộc phải chuyển sang hoạt động kinh tế nương rẫy là chính. Mặc dù các cư dân này đã có không ít kinh nghiệm trong việc khai thác nương rẫy mà điển hình là phương thức phát, đốt, chọc lỗ, tra hạt nhưng do năng suất nương rẫy thấp nên đời sống của họ thường thấp kém, hiện tượng du canh du cư khá phổ biến. Người Thái đã tổng kết: Thái ăn theo nước, Xá ăn theo lửa chính là phản ảnh đặc điểm canh tác của 2 nhóm tộc người này ở vùng rẻo cao, mặc dù điều kiện tự nhiên có không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cư dân rẻo cao (Mông Dao, Tạng Miến) đã sáng tạo nên các hình thức kỹ thuật canh tác rất đa dạng, kết hợp canh tác khô và cạn. Đồng bào đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang khá kỳ vĩ trong điều kiện của vùng núi cao.
Trong bức tranh chung về các tộc người vùng Tây Bắc, các sắc thái văn hóa khá đa dạng. Có thể thấy rõ điều này trên các khía cạnh về nhà cửa, trang phục, ẩm thực; các biểu hiện về quan hệ gia đình và cộng đồng; các hình thức tổ chức xã hội...
Tuy vậy, sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người diễn ra khá mạnh mẽ. Có thể thấy rõ điều này thông qua ngôn ngữ; các hoạt động kinh tế... Không phải ngẫu nhiên mà ngôn ngữ của một bộ phận cư dân Môn-Khmer đã chịu ảnh hưởng đậm ngôn ngữ Thái. Điển hình là người Xinh Mun, La Ha…
     Khi nói đến văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc có thể thấy một hệ giá trị trong bức tranh văn hóa vùng và tộc người. Đó là:
Sự gắn bó của đồng bào về quê hương xứ sở, Tổ quốc đã trở thành truyền thống trong quá trình bảo vệ và dựng xây đất nước. Lao động cần cù, sáng tạo, tính cộng đồng cao. Đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội gắn bó và hòa đồng với thiên nhiên, các ngành nghề thủ công tinh xảo, phản ánh sáng tạo văn hóa của mỗi tộc người. Kho tàng tri thức dân gian phong phú được đúc kết qua nhiều thế hệ liên quan đến các hoạt động sản xuất, làm ăn, bảo vệ môi trường thực sự là tài sản quý giá trong hành trang của mỗi tộc người, làm nên bản sắc tộc người. Sự gắn bó của mỗi thành viên trong đời sống gia đình và cộng đồng đã tạo nên sự cố kết đậm nét trong đời sống. Tính tự hào dân tộc, tính tự trọng cao; con người trung thực, cầu thị, tin người, mến khách. Văn hóa dân gian phong phú đa dạng, giàu bản sắc. Văn hóa mang đặc trưng vùng miền rõ nét; sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người diễn ra mạnh mẽ, tăng cường sự hiểu biết gắn bó giữa các tộc người trong vùng và trong khu vực.